Hình ảnh loài ngựa hẳn không quá xa lạ với mỗi người chúng ta. Ngẫu nhiên thay, 2014 theo lịch Á Đông cũng là năm Ngọ (ngựa). Tản mạn trong những ngày đầu năm, hãy cùng du lịch nước Mỹ khám phá một góc nhỏ về loài vật này, đó là câu chuyện đua ngựa ở Bắc Mỹ.
Tìm về giá trị loài ngựa ở Mỹ

Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, ngựa là loài vật không thể thiếu trong chiều dài phát triển của nước Mỹ nói riêng và khu vực châu Mỹ rộng lớn nói chung. Tính đến thời điểm hiện tại ở khu vực này vẫn nơi có số lượng và số loài ngựa lớn nhất thể giới. Trên thế giới hiện nay có hơn 100 loài ngựa, tổng số khoảng 74 triệu con. Châu Mỹ – 36,8 triệu con, tiếp theo là Châu Á -19,2 triệu con, Châu Âu – 10,3 triệu con, Châu Phi – 6,9 triệu con, Châu Đại Dương – 0,8 triệu con.
Không giống như một số khu vực khác coi trọng và thậm chí là tôn thờ ngựa. Chẳng hạn, tại Nam Âu người ta quan niệm ngựa là linh vật liên quan mật thiết với nước. Con ngựa nào đi qua vùng hạn hán mà đột nhiên dừng lại, đập mạnh móng xuống đất thì trời sắp mưa hoặc có mạch nước ngầm ở đó.
Hoặc như, tại Ấn Độ, vị thần Ashvin hiện thân cho tri thức mang dáng đầu người mình ngựa (nhân mã). Hoặc như, ở Mông Cổ, ngựa là điển hình của sự thông tuệ và hùng hậu… Tuy nhiên, đối với người dân ở tân lục địa này thì ngựa chỉ đơn thuần mang các trị thực của đời sống. Ngựa là một loài vật nuôi, một người bạn trung thành không hơn không kém.
Trong quá khứ, ngoài việc, sử dụng ngựa như một phương tiện đi lại, người dân ở đây còn sử dụng ngựa như một đối tượng phổ biến dùng sức cho công việc kéo, chở, thồ hàng. Ngoài ra do một số ưu điểm khác như: nhanh, khỏe, thông minh, dễ dạy bảo, giỏi chịu đựng nên ngựa còn được sử dụng vào nhiều công việc khác.

Chắc có lẽ ai trong chúng ta đã coi thể loại phim Cao bồi. Những tay súng hiệp nghĩa luôn rong ruổi trên ngựa săn lùng bọn cướp, trừ hại cho dân ở miền viễn Tây Mỹ. Thực tế cũng gần như vậy, ngựa còn được đưa vào việc tuần tra cho cảnh sát để bảo vệ an ninh. Mỹ, Brazil, Anh, Bồ Đào Nha… là những nước tiên phong và rất phổ biến ở khía cạnh này.
Đua ngựa ở Mỹ, từ giải trí đến “kiếm tiền”
Ngay từ khoảng năm 1500 trước Công nguyên, cuộc đua xe ngựa sớm nhất đã diễn ra tại Hy Lạp. Tiếp đó, phong trào đua xe ngựa và đua cưỡi ngựa lan khắp thế giới. Đua xe bốn ngựa còn trở thành một môn tham gia Đại hội thể thao Olympic thời xưa (lần đầu diễn ra năm 776 trước Công nguyên).

Trải qua hàng ngàn năm, đua ngựa đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trên khắp thế giới. Các giải đua ngựa được tổ chức thường xuyên với quy mô thu hút hàng trăm ngàn “tín đồ” trung thành đến tham dự và thưởng thức những màn đua hồi hộp, đầy kịch tính. Ở Mỹ, điều này cũng không phải ngoại lệ, thậm chí đây còn là một trong những “điểm nóng” nhất về đua ngựa trên thế giới.
Trong quá trình hình thành và phát triển, đua ngựa ở Mỹ có sự chuyển đổi nhanh chóng. Bên cạnh những hoạt động đua thuần túy như các môn thể thao khác, đua ngựa còn “rẽ” sang một nhánh khác, đó là lợi nhuận kinh tế hay nói theo cách thông thường là “cá độ”. Việc tìm kiếm vận may đi kèm với các cuộc tranh đua, luôn làm số đông hào hứng hưởng ứng. Vì thế, đua ngựa gắn liền với hoạt động cá cược đã trở nên quen thuộc với những ai ham thích loại hình giải trí này.

Giải đua ngựa lớn nhất Mỹ bao gồm: Kentucky Derby, Preakness và Belmont. Những giải này đều giới hạn độ tuổi của ngựa tham gia thi đấu, chỉ dành riêng cho ngựa 3 năm tuổi. Ba giải đua này gọi chung dưới cái tên “The Triple Crown”. Trải năm nhiều năm tồn tại, cho đến nay “The Triple Crown” là hệ thống giải đua ngựa lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó còn là 1 ngành “công nghiệp” giải trí trị giá hàng tỷ đô la Mỹ.

Ngoài hệ thống giải Triple Crown, một giải đua ngựa khác cũng rất nổi tiếng tại Hoa Kỳ là giải Breeders Cup. Giải đua được tổ chức thường niên và vào thời điểm cuối năm. Giải này chỉ mới bắt đầu khai mạc kể từ năm 1984.
Bắt đầu từ năm 2008 đến nay, giải Breeders Cup sẽ gồm 14 lần đua khác nhau và tỉ lệ đặt cược cho mỗi vòng cũng có sự khác biệt. Và một điểm nữa là giải này dành cho mọi lứa tuổi “chiến mã”. Nếu thắng trong tất cả các chặng, người chơi có thể kiếm được số tiền lên đến 20 triệu đô. Một con số đáng để liều lĩnh và mơ ước.
Nếu đã có dịp du lịch Mỹ, sao không một lần thử vận may ở một cuộc đua ngựa. Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác vô cùng hào hứng và thú vị từ việc chứng kiến và cổ vũ cho “chiến mã” mà mình đặt cược vào.
T.Thi (Top Ten Travel)
Tổng hợp